Trước một số vụ tai nạn chết người khi sử dụng thang máy, thang cuốn tại Trung Quốc thời gian gần đây, nhiều người dân đã đặt câu hỏi về sự an toàn của thiết bị này. Theo một số chuyên gia, phần lớn tai nạn có nguyên nhân do yếu tố lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị không được tiến hành đúng quy định.
Hiện nay vấn đề an toàn của thang máy, thang cuốn có tới 90% là do yếu tố kỹ thuật lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng.
Về vụ việc một cô gái trẻ tại Hàng Châu (Triết Giang, Trung Quốc) bị đứt lìa đầu khi cửa thang máy đột ngột đóng lại và di chuyển lên trên,một chuyên gia về thang máy cho biết, về nguyên tắc thì thang máy phải đóng khít cửa mới bắt đầu di chuyển. Tuy nhiên, ở trường hợp này, tai nạn xảy ra có thể do thiết bị đã cũ và không được bảo dưỡng, bảo trì đúng quy định.
Ở một phỏng đoán khác chuyên gia cho biết khi thang máy đóng kín cửa, thợ kỹ thuật khó trèo vào để làm việc nên đã dùng biện pháp “câu tắt” để kiểm tra kỹ thuật. Việc câu tắt này khiến thang máy vẫn có thể chạy trong khi cửa vẫn mở và khi kiểm tra xong, thợ kỹ thuật “quên” trả lại nguyên trạng cũng dẫn đến việc tai nạn dễ xảy ra.
“Hiện, nhiều doanh nghiệp lắp đặt thang máy ở Việt Nam cấm tuyệt đối vấn đề câu tắt,” chuyên gia cho biết.
Một chuyên gia về thang máy khác cho phóng viên hay, câu chuyện một phụ nữ ở Trung Quốc bị tụt vào thang cuốn do bàn đạp chuyển tiếp ở đầu thang bị gãy cũng có thể lý giải nguyên nhân do thiết bị quá cũ, không được bảo trì, bảo dưỡng và thay thế đúng quy định.
Tình trạng thang máy ít được bảo trì, bảo dưỡng, thay thế thiết bị cũ cũng diễn ra ở Việt Nam, đặc biệt ở một số chung cư, nhà tái định cư cũ... Và, tai nạn thang máy dẫn đến chết người ở Việt Nam cũng đã xảy xa.
Buộc phải bảo trì định kỳ
Về quy trình lắp đặt thang máy, thợ kỹ thuật phải tuân thủ nghiêm chỉnh tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Trước khi thang máy được đưa vào vận hành, phải có đơn vị được cơ quan nhà nước chỉ định kiểm định và cấp Giấy chứng nhận.
Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng thang cuốn cũng như thang máy, việc bảo trì luôn phải được đặt lên hàng đầu bởi thang vận hành liên tục dẫn tới các thiết bị cơ khí hao mòn nên không thể lơ là việc kiểm tra, căn chỉnh, thay thế.
Thực tế, việc vận hành và bảo trì thang máy trong các tòa nhà được yêu cầu hết sức nghiêm ngặt, được cụ thể bằng các quy định, quy trình nhằm mục đích vận hành đảm bảo an toàn và xử lý, ngăn ngừa được các sự cố trong quá trình vận hành. Khoảng cách thời gian kiểm tra, bảo trì bão dưỡng thiết bị tốt nhất là 1 tháng/lần với các công đoạn như kiểm tra chức năng, căn chỉnh, vệ sinh, bôi trơn và thay thế thiết bị nếu cần thiết.
Ngoài ra, người vận hành phải phải có chuyên môn, được đào tạo và tập huấn cứu hộ an toàn thường xuyên…
Không cho trẻ nô đùa khi đi thang cuốn
Theo các chuyên gia, nhìn chung thang máy nào cũng có hệ thống an toàn nghiêm ngặt luôn bảo đảm cho thang hoạt động đúng chế độ và người sử dụng có cảm giác thoải mái, yên tâm. Tuy nhiên mỗi người sử dụng thang máy, khi bước vào buồng cần để ý đến bảng “nút gọi” cũng như hướng dẫn sử dụng (cả thang cuốn và thang máy) để xử lý tức thời khi có sự cố xảy ra.
Ngoài ra, khi bước vào thang cuốn, người sử dụng cần để ý mặt bậc và bước vào chính giữa, không đứng ở mép thang và bám vào mặt trên của lan can, bởi khi mất điện, thang dừng đột ngột dẫn đến bị ngã.
Khi có trẻ em đi cùng, người sử dụng cần bế trẻ em khi bước vào/bước ra thang cuốn. Khi thang chạy, có thể để trẻ đứng xuống bậc nhưng phải trông giữ, không cho trẻ chạy nhảy để đảm bảo an toàn.
Đặc biệt khi có hỏa hoạn khi động đất hay trong trường hợp gây ra mất điện đột ngột, người dùng cần sử dụng cầu thang bộ thay vì thang máy.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét